Năm Canh Tý 2020, cúng ông Công ông Táo giờ nào đẹp nhất?

Cúng ông công ông táo là ngày mà các ông sẽ bay về Trời về báo cáo với Ngọc hoàng những sự việc, vấn đề đã xảy ra trong năm cũ. Vậy cách cúng ông công ông táo như thế nào là hợp lý nhất và giờ nào đẹp?

Trao đổi với PV Báo Gia đình và xã hội, chuyên gia phong thủy Linh Quang (Phong thủy thực hành Linh Quang) cho rằng, Táo Quân là tên gọi chung của ông Công và ông Táo – đây là những vị thần có nhiệm vụ cai quản công việc bếp núc của mỗi gia đình. Hiện nay nơi thờ Táo Quân nhiều vùng miền thờ khác nhau. Ở miền Nam thường thờ tại nơi bếp nấu, còn miền Bắc lại thờ chung cùng ban thờ thần linh tại nơi thờ chính đặt ở phòng riêng biệt.

Táo quân gồm 3 vị thần là 2 ông và 1 bà. Khi đó, 3 vị táo quân này sẽ chỉ ở trong bếp nhưng lại có thể biết được toàn bộ sự việc ở trong gia đình chủ nhà. Và hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch thì táo quân sẽ lại bay lên thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc đã xảy ra ở trong gia đình.

Theo phong tục của người Việt, để có thể cho các Táo bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp, để cho gia đình mình sang năm mới nhận được nhiều may mắn thì chủ nhà thường chuẩn bị cũng như sắm lễ cúng về trời vô cùng kỹ càng và long trọng.

                                                          

Nói về việc cúng ông Công ông Táo năm Canh Tý giờ nào đẹp nhất, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho biết, thời điểm để cúng ông công ông táo thích hợp nhất sẽ vào thời gian là tối ngày 22 hoặc sáng ngày 23 tháng chạp (tức từ 11 giờ đến 13 giờ (giờ Ngọ).

Lễ vật cần chuẩn bị để cúng ông công ông táo thường chuẩn bị mâm cỗ mặn, rượu kèm với bánh kẹo, đĩa ngũ quả tươi, trầu cau, đèn nến, hoa tươi và tiền vàng. Chuẩn bị thêm cá chép sống (đây là linh vật mà táo quân dùng để cưỡi khi lên trời). Cá chép sẽ được phóng sinh chúng bằng cách thả xuống ao hồ hay sông và tuỳ vào từng nơi mà bạn có thể cúng từ 1 đến 3 con cá chép sống. Nếu không có thời gian và điều kiện, các gia đình có thể thay cá sống bằng cá giấy đều được, miễn sao khi cúng có đủ sự thành tâm.

Ngoài ra, chuẩn bị thêm bộ ba mũ áo gồm: 2 mũ dành cho 2 ông táo (có 2 cánh chuồn) và 1 mũ dành cho táo bà (không có cánh chuồn), chuẩn bị cho mỗi Táo thêm hia và hài. Đây là những lễ vật quan trọng và cần thiết để chuẩn bị cúng ông công ông táo, ngoài ra thì còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình mà bạn có thể giảm hoặc thêm lễ vật… để tiễn ông công ông táo về trời.

Một số lưu ý khi bạn tiến hành làm lễ cúng ông công và ông táo như sau:

- Lễ vật để cúng thì cần phải lưu ý về màu sắc của mũ, áo cũng như hia hài của các táo (tuỳ thuộc vào ngũ hành của năm đó). Ví dụ năm 2020 ngũ hành là Thổ...thì chủ về các màu như vàng, nâu, tím, đỏ...là thích hợp.

- Nếu đã cúng cá chép sống thì không nên cúng thêm cá chép giấy và ngược lại.

- Sau khi bạn mua cá chép sống về thì bạn nên thả cá chép vào một chiếc bát có chứa nước sạch, cũng có thể cho thêm một vài cọng rong rêu nhỏ vào bát nếu như muốn để lâu, và khi cúng thì để bát cá chép sống ở cạnh bên mâm cỗ cúng. Khi thả cá thì tìm nơi ao hồ sông suối sạch để thả và nhớ đừng ném cả bao hay túi nilon xuống hồ cùng cá gây ô nhiễm.

- Cách thả cá: dùng hai tay nâng bát hoặc bao đựng cá, đỡ và thả để cá từ từ bơi ra ngoài, tránh thả cá kiểu ném quăng ra hồ ao không mang tính tôn nghiêm.

Tóm lại, những lễ vật chuẩn bị để cúng ông Công ông Táo về trời không nhất thiết phải quá long trọng và linh đình, bởi quan trọng nhất ở đây là gia chủ phải có tấm lòng thành là được. Việc khấn cúng nếu không sử dụng bài cúng thì cứ khấn cúng nôm theo tâm ý của bản thân với sự thành tâm kính ý là tốt.

1
Bạn cần hỗ trợ?