Phố đi bộ Hồ Gươm đẹp đẽ, sạch bong sau khi treo biển sẽ ghi hình, xử phạt 7 triệu đồng nếu vứt rác bừa bãi

Sau 2 tuần triển khai thí điểm ghi hình, xử phạt 7 triệu đồng đối với các cá nhân vứt rác không đúng quy định, phố đi bộ sạch sẽ, thoáng đãng hơn so với trước đây.

Phố đi bộ thoáng đãng, sạch sẽ sau khi treo biển xử phạt 7 triệu đồng nếu vứt rác bừa bãi

Sau 3 năm khai trương, phố đi bộ quanh Hồ Gươm luôn là điểm đến cuối tuần thích thú đối với mỗi người dân sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Không gian đi bộ, theo ước tính mỗi ngày đón khoảng 20.000 - 25.000 du khách đến tham quan, vui chơi. Dịp ngày nghỉ, lễ, Tết, con số này có thể lên tới 200.000 người.

Thống kê của Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 (Urenco2), trung bình mỗi ngày đơn vị này thu gom hơn 200 tấn rác thải sinh hoạt từ khu vực phố đi bộ. Trước tình trạng trên, từ ngày 26/4, Urenco2 kết hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm ghi hình, xử phạt 7 triệu đồng đối với các cá nhân vứt rác không đúng quy định.

Nhân viên công ty môi trường đã đặt hàng chục biển cảnh báo khắp phố đi bộ, ở những vị trí phù hợp nhất để người dân đều có thể quan sát, kèm theo là những thùng rác nhỏ dọc tuyến phố. Công ty cắt cử đại diện giám sát và theo dõi đều đặn tình hình để kịp thời xử lý.

Biển báo được thiết kế dáng chữ A đơn giản, 2 nội dung tuyên truyền khác nhau ở 2 mặt. Mặt in chữ màu xanh nhắc nhở mọi người đổ rác đúng nơi quy định và mặt in chữ vàng cảnh báo về mức xử phạt có thể lên tới 7 triệu đồng với hành vi xả rác bừa bãi. Mức phạt này được người dân đánh giá là có tính răn đe để góp phần giảm thiểu lượng rác xung quanh phố đi bộ.

                                                               Ngay từ barie chắn vào phố đi bộ đã treo biển cảnh báo người dân về việc xử phạt hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

                                                                                              Các bảng thông báo hình chữ A xuất hiện dọc tuyến phố.

 

                                             

Thùng rác nhỏ được bố trí mọi nơi để tạo thuận tiện cho người dân.

Ngoài các biển chữ A, hàng loạt biển có nội dung tương tự cũng được treo trên các barie đặt tại lối vào các tuyến phố đi bộ. Du khách khi vừa bước vào phố đi bộ đã thấy được thông tin và được nhắc nhở để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Đại diện công ty môi trường cho biết, bên cạnh việc treo, đặt các loại biển báo, họ còn bí mật đặt camera ghi hình, chụp ảnh hành vi đổ rác thải bừa bãi nhằm có được chứng cứ bàn giao cho lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm "phạt nguội".

Sau 2 tuần triển khai lắp camera, đặt biển báo nhắc nhở, tình hình vi phạm xả rác tại phố đi bộ gần như hoàn toàn. Nhiều thùng rác được bố trí khắp mọi nơi tạo thuận tiện cho người dân. Người lớn, trẻ nhỏ thoải mái dạo chơi, các hàng quán vỉa hè cũng ý thức hơn, vứt rác đúng nơi quy định.

 

Bác Sơn (quận Ba Đình) chia sẻ, mặc dù còn nhiều ý kiến về mức phạt 7 triệu đồng, nhưng cá nhân bác hoàn toàn ủng hộ. Đặc biệt, bác Sơn đề nghị vừa phạt tiền vừa bắt dọn rác trong 3 ngày để người dân có ý thức hơn. Có phạt nặng thì mới cải thiện được, từ đó hình thành thói quen, nề nếp.

"Dạo này đi quanh bờ hồ tôi thấy có nhiều thùng rác hơn, tiện lợi hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định. Tôi rất hoan nghênh việc quay phim làm bằng chứng và xử phạt hành chính. Cần phải làm mạnh tay để thay đổi ý thức, thói quen của người dân, du khách" - bác chia sẻ.

Không gian phố đi bộ nhẹ nhàng, thoáng đãng và sạch sẽ

Từ sau khi đề ra mức xử phạt người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường.

Một trong những hành động thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường là vứt rác đúng nơi quy định.

Là một người luôn tới phố đi bộ dạo chơi vào mỗi cuối tuần, bạn Liên (sinh viên) tâm sự: "Phố đi bộ đẹp hơn, sạch hơn rất nhiều nhờ chủ trương mới của thành phố. Nhất là sau mỗi sự kiện người dân đã có ý thức ở lại thu gom rác thải. Vì đây là môi trường chung của mọi người nên việc xả rác bừa bãi là không thể chấp nhận được"

"Công việc của chúng tôi nhàn hơn, chỉ đi kiểm tra và quét dọn lá rụng"

Đại diện Urenco2 cho hay, đơn vị này bố trí hai máy quay cố định đặt tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. Hơn 30 nhân viên môi trường làm việc hàng ngày ở khu vực này sẽ nhắc nhở, dùng điện thoại thông minh ghi hình những người cố tình vứt rác bừa bãi.

Theo chia sẻ của cô Đỗ Kim Thanh (công nhân môi trường), công việc của các cô "nhàn" hơn từ khi có đề án xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. Thông thường vào cuối tuần, cô Thanh sẽ làm việc từ sáng tới đêm, nhưng dạo gần đây, thay vì than phiền về việc rác thải chất đống, cô cùng anh chị em "dễ thở" hơn vì chỉ việc đi kiểm tra và quét dọn lá rụng.

 

 2 bạn nữ nán lại nhặt vỏ kem người rác đánh rơi, rồi để vào thùng rác.

Cô Thanh chia sẻ công việc hiện giờ nhẹ nhàng hơn nhờ đề án xử phạt hành vi xả rác bừa bãi.

Anh Quý đi thu gom túi rác từ thùng rác nhỏ dọc phố.

"Các cô rất phấn khởi vì một bộ phận người dân có ý thức, nhất là các hàng quán vỉa hè, họ sợ bị phạt nên đều chấp hành khá nghiêm chỉnh. Thỉnh thoảng có 1 vài trường hợp bị xử phạt, tính đến giờ chỉ mới 5 người. Ban đầu họ phản ứng khá gay gắt, một phần vì mức tiền cao, phần khác vì bị ghi hình, nhưng sau, mọi người đều lấy đó làm bài học để tránh vi phạm" - cô nói.

Anh Quý (25 tuổi, công nhân môi trường) có nhiệm vụ thay túi rác ở mỗi thùng đặt dọc phố đi bộ. Anh tâm sự, rác ở đâu được nhận định phát sinh nhiều, công ty môi trường sẽ cho bố trí thêm thùng, dù lượng rác chưa thực sự giảm. Các anh sẽ thu gom rác, nhắc nhở du khách, kịp thời dọn dẹp nếu phát sinh để phố đi bộ luôn đảm bảo vệ sinh.

"Từ sau khi có quy định nộp phạt, phố đi bộ sạch hơn. Rác thải nhựa vẫn chiếm khá lớn trong mỗi thùng rác, chúng tôi đều cố gắng xử lý, phân loại mỗi khi thu gom. Sau nhiều kiến nghị, anh em đã bố trí rất nhiều thùng rác nhỏ, người dân sẽ cảm thấy thoải mái hơn, tiện dụng hơn thay vì mải miết đi tìm thùng rác như trước đây. Chúng tôi hy vọng sau khi đề án này được đưa vào chính thức, phố đi bộ sẽ sạch sẽ, anh chị em công nhân môi trường đỡ cực nhọc" - anh Quý chia sẻ.

 

 

 

 

 

1
Bạn cần hỗ trợ?