Thi thử THPT quốc gia dễ, thi thật có khó hơn?

                                                                                                                                                    Thi thử THPT quốc gia dễ, thi thật có khó hơn?

Nhận định về đề thi môn Toán, giáo viên Toán thuộc hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, đề có phạm vi kiến thức chủ yếu lớp 12, trong đó các câu hỏi vận dụng cao cũng không quá khó đối với học sinh. Với đề thi như vậy, học sinh trung bình dễ dàng đạt điểm 5-6 và khó để phân loại được học sinh khá, giỏi.

 

Nếu như đề thi Ngữ Văn của kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là hay và quá sức đối với thí sinh, đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT năm 2019 cũng được cho là khó thì đề thi thử của Hà Nội lần này cũng được chính học sinh thừa nhận là dễ. Theo đánh giá của giáo viên dạy Ngữ văn, nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong lớp 12, lần này đề tích hợp nhiều kiến thức lịch sử do đó những học sinh không có kiến thức lịch sử khó diễn đạt trọn vẹn các ý tứ. Tuy nhiên, phần nghị luận xã hội, học sinh mong chờ một vấn đề gì đó liên quan đến thời sự nóng, hay mà các em đang quan tâm thì ở đây đề chưa làm được được điều đó.

 

TS Trịnh Thu Tuyết, Nguyên giáo viên dạy Văn Trường THPT Chu Văn An cho rằng, ngữ liêu đọc hiểu là một đoạn trích trong nhật ký Đặng Thuỳ Trâm- ngữ liệu có giá trị biểu cảm tuy nhiên toàn bộ đoạn trích là một lời tự sự, giãi bày, bộc bạch, tựa như một bức tranh trong đó tất cả đều ngoại hiện, cho nên hầu như không có vấn đề cho đọc hiểu. Chính vì tất cả các tầng ý nghĩa của ngữ liệu đã rõ cho nên các câu hỏi đặt ra đều chỉ nằm ở mức độ thấp, chưa tương xứng với sự tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia.

 

Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng cũng cho rằng, đề Toán vừa sức, đề Ngữ văn dễ. Em cho rằng, đến đề thi thật sẽ không dừng lại ở mức độ như vậy và sẽ có sự phân hoá cao hơn để học sinh khá, giỏi có thể bật điểm lên. “Nếu đề dễ quá, nhiều bạn đạt cùng mức điểm 8-9, thậm chí là 10 sẽ không công bằng trong việc tuyển sinh vào các trường”, Trang nói.

 

Một giáo viên dạy Toán cũng chia sẻ, đợt thi thử THPT quốc gia nhằm để học sinh tập dượt, làm quen và qua đó đánh giá năng lực học sinh. Sau khi có kết quả, các trường thấy học sinh yếu chỗ nào có kế hoạch ôn tập cho các em. Vì vậy, đề thi thử cũng rất quan trọng, nếu khó quá học sinh sẽ nản nhưng dễ học sinh cũng không tránh khỏi tâm lý chủ quan.

 

Vì thế, theo giáo viên này, sau đợt thi thử, các trường nên phân loại học sinh theo từng nhóm năng lực: giỏi – khá- trung bình – yếu kém để có chương trình ôn luyện phù hợp với năng lực các em sẽ hiệu quả hơn. Nếu ôn tập đại trà, học sinh giỏi sẽ thấy nhàm chán và học sinh yếu kém không theo kịp. Đồng thời phải chuẩn bị tâm lý cho học sinh, thi thử dễ, thi thật sẽ khó hơn để các em nỗ lực học tập.

 

Trong 3 ngày từ 27-29/3, học sinh Hà Nội thi thử THPT quốc gia. Mỗi thí sinh sẽ thực hiện 4 bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Kỳ thi được tổ chức như kỳ thi thật để học sinh tập dượt, bài thi cũng sẽ được rọc phách, chấm điểm.

                                                                                                                                                                                                 Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)

 

1
Bạn cần hỗ trợ?