Thủ tướng đau lòng trước các vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em
"Là người đứng đầu Chính phủ, tôi rất đau lòng trước các vụ việc tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em xảy ra trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Sáng ngày 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát động Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Sự kiện được tổ chức vào dịp kỷ niệm 1979 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 109 năm Ngày Quốc tế phụ nữ, diễn ra tại 2 điểm cầu trực tuyến là tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lịch sử phát triển của thế giới cho thấy, ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ dân tộc nào, phụ nữ và trẻ em luôn giữ vị trí đặc biệt. Có phụ nữ chúng ta mới xây dựng được tổ ấm gia đình, dân tộc mới trường tồn, xã hội mới phát triển và trẻ em là tương lai của mỗi gia đình, mỗi dân tộc và cả nhân loại. Sinh thời, Bác Hồ dành tình cảm sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ đã trao tặng chị em phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang.
Người cũng nhấn mạnh, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Và với trẻ em, Người khẳng định: Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập.
Học tập tư tưởng của Người, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để bảo đảm các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, chúng ta có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ. Trong lĩnh vực kinh doanh, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nhiều chị em điều hành những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, tạo được vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng. Gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã góp phần xây dựng các gia đình trở thành mái ấm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng các cộng đồng văn minh mà ở đó phụ nữ và trẻ em được sống và phát triển trong một môi trường an toàn hơn.
Thủ tướng đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc chọn chủ đề hoạt động năm 2019 là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Điều này thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong phương thức hoạt động của Hội, thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Hội đồng hành, chung tay cùng với Chính phủ giải quyết các vấn đề xã hội, hướng tới sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em và toàn xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, phát triển bền vững phải dựa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội, môi trường và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó phải bảo đảm để không có ai bị bỏ lại phía sau.
“Chính vì vậy, trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm các quyền con người, an sinh, an toàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em, nhất là các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo cùng đồng bào các dân tộc thiểu số”.
“Tôi đề nghị từng cấp hội cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những việc làm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Thủ tướng phát biểu.
Hội cần tuyên truyền, giáo dục, động viên, hỗ trợ để phụ nữ, trẻ em và từng gia đình hiểu được quyền, trách nhiệm của mình và các kỹ năng để tạo lập môi trường sống, học tập, làm việc an toàn, lành mạnh. Hội cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện trong việc xây dựng thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Thủ tướng chia sẻ: “Đảng, Nhà nước ta rất trăn trở với những vấn đề xã hội gây mất an toàn cho phụ nữ, trẻ em hiện nay. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi rất đau lòng trước các vụ việc tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em xảy ra trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi. Đau lòng hơn khi tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp, buôn bán trẻ em ngay từ trong bào thai”.
Với phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành chung tay cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động, tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện có hiệu quả Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Các bộ, các ngành, các đoàn thể, các địa phương, đơn vị rà soát kế hoạch hoạt động, bổ sung các nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em theo chức năng thẩm quyền. Đề xuất hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách về an toàn, an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em. Thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Phát triển mạnh thể dục, thể thao, chú trọng bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học. Đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực trong gia đình, trong học đường, trong bệnh viện. Giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em.
Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với Chính phủ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, vì bình đẳng giới và phát triển bền vững.